TP - Phó Chủ tịch huyện Mỹ Đức (Hà Nội) - Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương Nguyễn Văn Hậu thừa nhận có chuyện treo thịt chó bán thịt… cầy vòi ở khu vực Chùa Hương, tại cuộc họp giao ban Báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức hôm 26-3.
Bên cạnh đó, bằng công nghệ đơn giản, nhiều thú nuôi cũng được biến thành thú hoang để bán.
Đây là thịt thú rừng hay thú nuôi? Ảnh: H.P |
Giả cầy, giả báo đá
Theo ông Hậu, các loại thịt bày bán tại khu vực Chùa Hương không phải thú hoang dã, bởi khu vực Chùa Hương không còn thú hoang dã, cá biệt có một số hộ kinh doanh, lợi dụng tâm lý khách, khi bán thì nói rằng đó là thịt thú rừng: Thịt mèo nhà có gia đình lại nói là báo đá.
Thực khách không thể phân biệt được, có khi còn khen ngon mua thêm về làm quà! Thấy bán được giá, có hộ dân biến thịt bê thành thịt nai nhờ một số “công nghệ” chế biến... Có khi chỉ cần một số mẹo vặt, các chủ quán có thể biến nguyên một con chó thành cầy vòi, nhưng khách cũng bó tay không phân biệt được chủ quán đã treo thịt chó bán thịt cầy vòi!
“Chúng tôi thừa nhận đây là trách nhiệm của địa phương đã để xảy ra tình trạng này. Nhưng không có chuyện nhân dân ở đây bắt thú hoang trong rừng Hương Sơn về bán. Các cơ quan chức năng của huyện sẽ có biện pháp chấn chỉnh”- Ông Hậu nói.
Tuy nhiên, ông Hậu lại không cho rằng công nghệ biến các loại thú nhà nuôi thành thú hoang để bán cho khách là làm hàng giả, hoặc có yếu tố gian trá thu lợi nhiều hơn.
Ban Tổ chức cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý hàng chục trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường, xả rác xuống lòng suối. Lực lượng này cũng đã xử lý 28 vụ liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả.
Tuy nhiên, dường như chế tài không đủ mạnh, cho nên công nghệ làm giả thịt thú rừng vẫn phát triển.Đi thực tế vào khu vực Bến Trò (lên Chùa Thiên Trù), chúng tôi vẫn thấy hàng quán bày bán la liệt thịt thú.
Hỏi một chủ quán, các nhà báo được biết ngoài thịt hươu, còn có thịt cầy giá khoảng 250 ngàn đ/kg. Với các loại thú nhỏ hơn, một cán bộ trong Ban tổ chức cho biết đa phần là thịt mèo nhà, thịt thỏ cắt tai, cắt chân để biến thành báo, cầy hương, cầy vòi...
Vào chùa cốt phải thanh tịnh
Đúng như Phó Chủ tịch huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết, mấy năm trở lại đây công tác tổ chức Lễ hội Chùa Hương đi vào nề nếp, quy củ hơn. Đáng ghi nhận, lòng suối Yến do được nạo vét từ đầu mùa, được thu rác đều đặn nên rất trong xanh. Nạn trộm cắp, móc túi, mất trật tự xô xát với khách giảm.
Nạn cờ bạc, ăn xin cũng không còn thấy bóng dáng ở khu vực Chùa Hương. Tình trạng đốt tiền vàng quá nhiều cũng được Ban tổ chức và nhà chùa nhắc nhở nên giảm đáng kể.
Đại đức Thích Minh Hiền, Trụ trì Chùa Hương cho rằng, người hành hương về đất Phật nên hạn chế thói quen “mang nhà mình vào chùa”. Tức là, nên hạn chế mang quá nhiều đồ ăn thức uống, tiền vàng để dâng cúng. “Đến chùa cốt phải thanh tịnh, nên chỉ cần thanh bông hoa quả mà thôi. Ai cũng mang nhiều đồ ăn, thức uống đến đây, rồi lại xả ra thì chính nhà chùa sẽ phải gánh chịu hết!”.
Cũng cần nói thêm, cùng với quá nhiều các loại thịt bày bán la liệt khiến người hành hương đất Phật chạnh lòng, dường như nơi đây đang mất dần những giá trị văn hóa, sự thanh tịnh, tôn kính của một thế giới Phật. Hàng quán quá lộn xộn, ồn ã và quá xô bồ bởi loa đài mở hết công xuất để quảng cáo, bán hàng. Đủ loại nhạc nhẽo tranh nhau phát thanh làm nhức đầu du khách.
Nếu các nhà quản lý của địa phương và thành phố Hà Nội không quan tâm, chấn chỉnh ngay một số hoạt hoạt động nhất là dịch vụ, Chùa Hương có nguy cơ sẽ biến thành một khu du lịch-ăn nhậu thái quá, hơn là một điểm văn hóa tín ngưỡng nổi tiếng.
Nguyễn Minh Tuấn
No comments:
Post a Comment