Nhiều người trong vùng cho rằng: Dân xung quanh chùa Hương “chặt chém” du khách 3 tháng lễ hội có thể “ngồi chơi xơi nước cả năm”, quả đúng không ngoa.
Lễ hội chùa Hương năm nay bắt đầu từ ngày 12/2 (mùng 6 Tết) được đánh giá là khác rất nhiều so với trước, bởi du khách hành hương vãn cảnh chùa có thể sử dụng cáp treo, các dịch vụ trái phép được dần được dẹp bỏ, nhưng một số dịch vụ ở lễ hội năm nay vẫn “ hái ra tiền”...
Chủ đò cò khách, lậu vé… ra tiền!
Ngay từ khi vừa qua khu vực thị trấn Vân Đình, xuống đến thị trấn Tế Tiêu, các “cò mồi” đi đò đã bám theo cả chục cây số tiếp thị khách đi chùa. Giá cũng sàn sàn như nhau: Cò tiếp thị khách đi đò và vé tham quan 75.000 đồng/người, mặc cả một hồi giá xuống còn 60.000 đồng/người. Trong khi đó giá vé của Ban tổ chức chỉ có 55.000 đồng.
Hỏi điều này, chủ đò 39B cho chúng tôi biết: Do lượng khách quá đông, chen lấn, xô đẩy, thậm chí chờ suốt buổi mới mong mua được vé, trong khi đó, họ nói muốn về trong ngày, cho nên một số chủ đò đã “ cò” khách dễ dàng, “vượt đèn đỏ” tự bán chỗ với giá cao...”. Nhiều du khách không muốn chờ đợi lâu đành “tặc lưỡi” chấp nhận.
Một số chủ đò đã làm ăn ngoài như đã chèn thêm khách, gian lận chuyến, quay vòng… để kiếm lời. Thế mới dẫn đến tình trạng một chuyến đò nhồi nhét 30 – 40 người khách. Ngoài ra, các chủ đò còn cho khách lậu vé – không phải mua vé do Ban tổ chức phát hành mà trực tiếp thu tiền từ 25 - 30.000 đồng/ khách.
Theo phản ánh của một chủ đò thì số tiền này tuy không phải nộp lại cho Ban tổ chức, nhưng lại phải “làm luật” ở cả hai bên, bên đón khách và bên trả khách. Mỗi ngày các chủ đò đi hàng chục chuyến như vậy, nên số tiền kiếm được nhờ chênh lệch không dưới triệu bạc…
Chủ cáp treo ngồi chơi ... hốt bạc!
Có lẽ ăn lên làm ra nhất trong các dịch vụ là cáp treo. Mặc dù mới đưa vào sử dụng được vài năm, nhưng dịch vụ cáp treo liên tục quá tải và liên tục phải đóng cửa ngừng bán vé. Điều này phản ánh được phần nào dịch vụ cáp treo “trúng đậm” như thế nào trong mùa lễ hội mỗi năm.
Tuyến cáp treo dài 1218m được nối từ chùa Thiên Trù lên động Hương Tích có vốn đầu tư 76 tỷ đồng do Công ty cổ phần vận tải và du lịch Hương Sơn xây dựng và khai thác. Toàn tuyến có 33 cabin loại Omega của Thuỵ Sỹ, công suất trên 1500 khách/giờ.
Dịch vụ cáp treo cũng quá tải. |
Từ Thiên Trù lên Hương Tích có ba ga, là ga Thiên Trù, ga Giải Oan và ga Hương Tích. Giá vé khứ hồi cho toàn tuyến là từ 60.000 - 70.000 đồng/người. Anh Bình, người phụ trách ga Thiên Trù cho biết: "Mỗi ngày nhà ga phục vụ hơn 10 giờ. Số lượng khách phục vụ khoảng hơn 1,5 vạn. Tuy nhiên điều này mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ lượng khách có nhu cầu đi cáp treo...” Nếu tính sơ sơ 1,5 vạn hành khách với mỗi hành khách là 60.000 đồng thì số tiền mà chủ cáp treo thu được trong một ngày không nhỏ chút nào.
Đổi tiền lẻ, sắp lễ, trông xe... cũng ra tiền.
An nhàn và cũng thu lại tiền lời nhanh nhất có thể coi là dịch vụ “ngân hàng tại chùa” - đổi tiền lẻ ở chùa Hương. Tuỳ theo số lượng cần đổi và mệnh giá tiền mà người đổi phải chấp nhận 10 ăn 5, ăn 6, ăn 8…tuỳ từng mệnh giá các loại tiền.
Điều nghịch lý là mệnh giá tiền càng nhỏ thì tỷ lệ ăn cho người đổi càng lớn. Nhưng đắt nhất vẫn là loại tiền mệnh giá 200 đồng, vì loại tiền này ở các bàn đổi tiền đều phải chấp nhận giá 10 ăn 5, tức là nếu cứ đem 10.000 đồng ra đổi thì du khách chỉ được nhận lại 5 ngàn loại tiền mệnh giá 200 đồng. Còn loại tiền với mệnh giá 500 đồng được chấp thuận với giá 10 ăn 6 và loại tiền mệnh giá 1000 đồng là 10 ăn 7, ăn 8 tuỳ theo sự mặc cả của từng người.
Điều đáng chú ý là loại tiền xu cũng được du khách đổi nhiều, tiền xu hút khách nhiều nhất vẫn là loại tiền mệnh giá 500 đồng, 1000 đồng. Lý giải về việc số tiền mệnh giá càng nhỏ, càng đắt bà Nguyệt một chủ bàn ở Đền Trình cho chúng tôi biết: “Tiền mệnh giá nhỏ vừa hợp với túi tiền của du khách, lại vừa mới lên đắt hàng...”.
Chúng tôi tính sơ sơ, chỉ quanh khu vực Đền Trình mà có tới hơn 30 quầy đổi tiền lẻ. Theo một số chủ quầy thì mỗi ngày họ cũng kiếm được trên 500.000 đồng tiền lãi…quả là không nhỏ chút nào so với thu nhập của người nông dân.
Dịch vụ sắp lễ cũng "hái" ra tiền ! |
Dịch vụ sắp lễ, trông xe cũng kiếm được không ít tiền trong mùa lễ hội năm nay. Dịch vụ sắp lễ bao gồm cho thuê đĩa, hương hoa, đội lễ vào chùa... Mỗi lần như vậy chủ hàng lấy từ 20.000 – 50.000 đồng, tuỳ loại lễ. Còn dịch vụ trông xe máy ở đây với giá cắt cổ 8.000 đồng/xe, thậm chí 10.000 đồng/xe, nhiều hơn gấp 3 - 4 lần giá quy định chung. Nhưng các du khách đều phải chấp nhận vì xe máy không gửi thì làm sao vào lễ chùa được.
Bên cạnh một số dịch vụ “hái tiền” thì một số, thì một số dịch vụ khác lại trong tình trạng có nguy cơ bị lụi tàn. Đó là dịch vụ chụp ảnh lưu niệm, những năm trước, đặc biệt là chưa có máy ảnh du lịch, máy ảnh kỹ thuật số những “phó nháy” ở Chùa Hương cũng kiếm kha khá, nhưng vài năm trở lại đây dịch vụ này đã dần lụi tàn, vì đa số các đoàn đi chùa Hương đều có máy ảnh kỹ thuật số mang theo.
Một số “phó nháy” ở khu vực Đền Trình đứng nhìn du khách bấm máy ngán ngẩm: Nhiều nhất tụi này một ngày cũng chỉ chụp hết 1 cuốn phim, chỉ kiếm được chưa đầy 100.000 đồng...
Bài, ảnh: Thu Huệ
No comments:
Post a Comment