Advertising



Kiếm tiền với blog, website của bạn? Quá dễ! Click here!


Tìm kiếm.

Sunday, April 4, 2010

“Sốc” với lễ hội chùa Hương

GiadinhNet - Được săn đón từ quận Hà Đông để mời chào dịch vụ du lịch chùa Hương trọn gói, chúng tôi phải rất "chai lì" mới thoát được khỏi sự nhiệt tình thái quá của các "cò" dẫn khách. Đặt chân lên đất Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội), dù đã quen thuộc với lễ hội chùa Hương, chúng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng với nhiều cú sốc.

“Cháy” đò qua suối Yến

Dù đã phải đi trước thời điểm khai hội 2 ngày (17/2/2010, tức mùng 4 tháng Giêng năm Canh Dần) và lường trước được sự đông đảo của du khách thập phương đổ về "Nam thiên đệ nhất động" thế nhưng chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi phải nghỉ lại xã Hương Sơn 1 ngày đêm vì không tìm được đò để vào Thiên Trù và Hương Tích.


Bạt ngàn nhưng vẫn “cháy” đò cho du khách. (Ảnh: TG)

Theo như anh Lê Đức Thanh - kinh doanh dịch vụ ăn uống ngay tại bến Yến - thì để có thể "đi đến nơi về đến chốn" trong những ngày này thì hoặc là chúng tôi phải đặt đò trước vài ngày, hoặc là chấp nhận sử dụng dịch vụ trọn gói với giá "cắt cổ" thông qua các "cò" dẫn khách. Theo như niêm yết thì giá vé thắng cảnh chùa Hương năm 2010 là 30.000 đồng/vé (đã gồm phí bảo hiểm), vé đi đò khứ hồi tại suối Yến là 25.000 đồng/người. Thế nhưng nếu sử dụng dịch vụ trọn gói của các "cò" thì đoàn 4 người chúng tôi sẽ phải chi đến gần 700.000 đồng thay cho tổng chi phí 220.000 đồng theo quy định.

Không chịu mất tiền oan, chúng tôi quyết định ngủ lại bến Yến một đêm để sáng sớm hôm sau ra bến bắt đò. Hết phòng nhà trọ, chúng tôi phải chấp nhận thuê một chiếc chiếu cói với giá 100.000 đồng để lấy chỗ đặt lưng. Không chăn không gối, cái rét buốt của núi rừng Hương Sơn cứ luồn qua khe liếp cứa vào da thịt. 5 giờ sáng hôm sau, chúng tôi đã mắt nhắm mắt mở có mặt tại bến đò suối Yến. Đón tệp vé từ tay tôi, chị chủ đò thẳng thừng: "Đây mới chỉ là... vé của Ban quản lý khu di tích, các anh chị phải bồi dưỡng cho em 50.000 đồng mỗi người thì em mới chèo được". Thấy vẻ mặt ngạc nhiên của khách, chị chủ đò khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Chắc các anh chị mới đi chùa Hương lần đầu chứ năm nào chẳng thế. Thế là còn rẻ đấy, ngày mai khai hội, anh chị có trả đến 100.000 đồng cũng chưa chắc đã kiếm được đò đâu".

Dịch vụ đổi tiền lẻ nở rộ.

Không muốn tiếp tục phải ở lại bến Yến thêm một ngày nữa, chúng tôi đành lục tục xuống đò. Trời còn tối om om mà dòng suối Yến đã tấp nập đò xuôi ngược. Trên đường đi, đập vào mắt chúng tôi vẫn là những tấm biển xanh lớn mà Ban quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn lưu ý du khách về giá vé thắng cảnh và giá vé xuồng đò. Có một đoạn đường không dài nhưng hành khách nhiều lần hoảng vía mỗi khi nước suối với rác rưởi dập dờn chực tràn vào đò do số lượng người vượt gần gấp đôi trọng tải cho phép. Theo quy định thì đò lớn chỉ được chở tối đa 12 người nhưng đếm sơ qua trên đò chúng tôi đang ngồi cũng đã có đến 19 người chưa kể người cầm lái. Nghĩ lại nghịch cảnh các xe gắn máy chở 3, chở 4, không đội mũ bảo hiểm thản nhiên đi qua mặt cả chục đồng chí CSGT ngay giữa ngã tư trung tâm xã Hương Sơn, tôi biết rằng chuyện xuồng đò chở quá tải trong dịp lễ hội này cũng chẳng có gì là lạ.

Vào đến Thiên Trù, tôi đã thấy một rừng người đang chen chân lễ bái. Bên cạnh các quán viết sớ chữ Nho, bày lễ thuê, bán đồ mã cho khách, dịch vụ đổi tiền lẻ cũng thu hút những người thành tâm lễ bái. Dù phải chấp nhận đổi 10 "ăn" 7 với tiền mệnh giá 200 đồng và 500 đồng, 10 "ăn" 8 với tiền mệnh giá 5.000 đồng thế nhưng nhiều du khách vẫn dính "quả đắng" nếu không cẩn thận kiểm lại tiền ngay khi đổi. Chị Nguyễn Thị Hưng ở phố Bùi Ngọc Dương (Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) than thở: "Tôi cứ tưởng ở nơi đền chùa linh thiêng người ta không dám làm gian nói dối, ngờ đâu đổi được 50 tờ 500 đồng xong đến khi kiểm lại thì thấy thiếu đến tận chục tờ. Quay lại cũng chẳng có bằng chứng đâu để đòi, có khi lại chửi bới lẫn nhau rồi "kính chẳng bõ phiền".

Thiên Trù đông nghịt người lễ bái.

Hãi hùng mất điện cáp treo

Năm nay để tránh tình trạng "quá tải" cáp treo như các năm trước, sân ga cáp treo cũng được mở rộng để đáp ứng nhu cầu của một lượng lớn du khách. Không muốn phải chen lấn xô đẩy và mất nhiều giờ đồng hồ nhích từng centimét trong biển người ken cứng đổ lên Hương Tích, rất nhiều người đã đứng xếp hàng dài mấy chục mét để mua vé cáp treo. Cũng lại "chiến đấu" đến mướt mải mồ hôi để mua được tấm vé đúng giá thay vì phải mua vé giá cao của dân "phe phẩy" thế nhưng nhiều du khách yếu bóng vía đã sợ đến rơi tim ra ngoài lồng ngực khi sự cố mất điện xảy ra ngay trong buổi chiều ngày khai hội. Hàng trăm người phải ngồi trong các cabin lơ lửng giữa trời đến hơn 30 phút mới được cứu ra và đưa trở lại Thiên Trù. Sự cố này không chỉ gây hoang mang cho những du khách trực tiếp gặp phải mà còn gây bức xúc và hỗn loạn nhiều giờ đồng hồ tại cổng soát vé.


Cả ngàn người hoang mang vì cáp treo mất điện.

Chị Nguyễn Thị Huệ (Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội) bức xúc: "Tôi phải xếp hàng hơn 2 giờ đồng hồ mới mua được cái vé, rồi lại mất thêm gần 2 giờ đồng hồ ngồi đợi đến lượt vậy mà giờ đây Ban quản lý nhà ga đóng cửa không phục vụ nữa mà không nói rõ lý do. Tôi muốn quay ra trả vé cũng không được vì đường tắc cứng, đành phải trèo qua lan can bảo vệ ra ngoài để kịp đi về trước khi trời tối".

Một trong những điểm gây chú ý với du khách hành hương năm nay là dịch vụ ăn uống nở rộ với thịt thú rừng phong phú như cầy hương, hươu, nai, nhím, don, chuột... được thui vàng. Trong đó thịt cầy hương được nhiều du khách hỏi mua hơn cả. Với 200.000/kg cầy hương, các du khách có thể lựa chọn, nấu nướng và nhậu nhẹt ngay tại quán. Thế nhưng ông Kiều Tiến Dũng - một người bản địa ở thôn Tiên Mai, xã Hương Sơn - cho chúng tôi biết hầu hết cầy hương được treo bán trong các cửa hàng là chó ta được dùng đèn khò kéo dài mõm rồi thui vàng. Ăn những món "đặc sản" đó không chỉ mất vệ sinh mà có khi còn phải ngậm đắng nuốt cay vì bị lừa một cách ngoạn mục.

Tắc đường lên Hương Tích.

Năm nay trên đường từ Thiên Trù lên Hương Tích không còn nạn cờ bạc và hành khất níu chân người hành hương nhưng tại đền Đức Thánh Cả vẫn còn hình thức cờ bạc trá hình trò chơi "Chiếc nón kỳ diệu". Chỉ với 10.000 đồng đặt cửa, người chơi có thể may mắn nhận được đến 200.000 đồng tiền thưởng. Ngoài những câu mời chào văn vẻ, "xuất khẩu thành thơ", người chủ trò còn nhiệt tình mang thuốc lá đi mời khắp lượt các "quý ông" đang tò mò đứng ngó và "đề nghị" đổi tiền lẻ cho khách đặt cửa cầu may. Thấy các "chim mồi" liên tục trúng đậm đến tiền triệu, nhiều du khách hám lợi rồi mất tiền oan vào trò đỏ đen này.

Đến hẹn lại lên, mỗi năm có hàng trăm ngàn du khách đổ về dự hội Chùa Hương nhưng chẳng biết đến bao giờ, lễ hội Chùa Hương mới không còn những cú sốc làm phiền lòng du khách?

Nguyễn Thắng

No comments:

Post a Comment